TẬP HUẤN MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI LỚP 1 THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018
TẬP HUẤN MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI LỚP 1
THEO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018
Thời gian: Ngày 17/ 8/2020
Người thực hiện: Nguyễn Thị Kim Xinh
I. GIỚI THIỆU SÁCH GIÁO KHOA
1.Quan điểm biên soạn sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội lớp 1
Việc biên soạn SGK môn Tự nhiên và Xã hội lớp 1 cũng tuân thủ các quan điểm chung biên soạn SGK, về lựa chọn kiến thức và tinh giản nội dung của SGK môn Tự nhiên và Xã hội đã được thống nhất ở cả 3 lớp 1, 2, 3.
Các quan điểm chung về biên soạn SGK môn Tự nhiên và Xã hội:
- Bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực của HS thông qua hệ thống kiến thức tự nhiên, xã hội, thiết thực và hiện đại; chú trọng thực hành, vận dụng để giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống.
- Bảo đảm tính kế thừa, phát triển các ưu điểm của SGK môn Tự nhiên và Xã hội đã có ở nước ta, tiếp thu kinh nghiệm viết SGK của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
-Bảo đảm sự kết nối giữa các lớp học và sự liên thông giữa các môn học. Quan điểm lựa chọn kiến thức và tinh giản nội dung:
-Việc lựa chọn kiến thức trình bày trong SGK phải theo đúng các quy định của chương trình về kiến thức và năng lực cần đạt.
-Nội dung các kiến thức đã được lựa chọn cần được trình bày một cách tinh giản theo quan điểm sau:
+ Tập trung vào nội dung cơ bản.
+ Cô đọng, lược bỏ những chi tiết phức tạp, những chi tiết chưa thực sự cần thiết cho việc hình thành kiến thức cơ bản.
+ Trực quan hoá qua so sánh, qua hình ảnh, mô hình,…
+ Đơn giản hoá nội dung cho phù hợp với trình độ tiếp thu của HS tiểu học.
+ Không mở rộng phạm vi nội dung kiến thức ra ngoài những quy định của chương trình, trừ trường hợp bất khả kháng.
2.Những điểm mới cơ bản của sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội lớp 1
-Hấp dẫn người học: Sách được trình bày 4 màu, hình ảnh đẹp mắt, sinh động, thiết kế mở, kết hợp hài hoà kênh chữ và kênh hình, đặc biệt ưu tiên kênh hình ở những bài đầu của sách phù hợp với khả năng đọc của HS.
- Người học là chủ thể của các hoạt động: Trong tất cả các hoạt động học của bài, HS luôn là chủ thể, chủ động trong việc khai thác kiến thức mới. Điểm khác biệt rõ nhất so với SGK hiện hành là ở hoạt động tự đánh giá của HS ở cuối mỗi chủ đề.
-Người học được trải nghiệm và khám phá: HS bắt đầu được tham gia dự án học tập. Đó là 2 dự án: Trồng và chăm sóc cây ở chủ đề Thực vật và động vật; Tìm hiểu bầu trời và thời tiết ở chủ đề Trái Đất và bầu trời.
-Người học được hình thành và phát triển năng lực: Các hoạt động học tập như khám phá (HS vận dụng những kinh nghiệm, hiểu biết đã có về gia đình, về cây, con vật và bản thân để hình thành kiến thức mới), thu thập thông tin (về thực vật, động vật và hoàn thành vào các phiếu điều tra), đặt ra các nhiệm vụ học tập (trò chơi tìm cánh hoa, xếp các loại cây,...), đặt ra các tình huống để HS giải quyết (về giữ gìn và bảo vệ trường lớp, bảo vệ động vật và thực vật, bảo vệ sức khoẻ,...),... đều hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển năng lực cho HS.
II. CẤU TRÚC SGK VÀ CẤUTRÚC BÀI HỌC
1. Cấu trúc SGK
Các nội dung hay chủ đề được sắp xếp theo trật tự sau đây:
Chủ đề 1. Gia đình
Chủ đề2. Trường học
Chủ đề3. Cộng đồng địa phương
Chủ đề4. Thực vật và động vật
Chủ đề5. Con người và sức khoẻ
Chủ đề6. Trái Đất và bầu trời.
2. Cấu trúc bài học
- Mỗi bài học bao gồm một hay nhiều tiết học. Mỗi tiết học được trình bày trong 2 trang mở. Như vậy, mỗi bài học sẽ gồm số trang = số tiết × 2 (trừ bài ôn tập chủ đề). Cụ thể, bài 1 tiết là 2 trang, bài 2 tiết là 4 trang, bài 3 tiết là 6 trang.
- Mỗi bài học bao gồm 4 hoạt động:
+ Hoạt động mở đầu: Có tính chất khởi động, tạo hứng thú và chuẩn bị tâm thế cho HS vào bài học. Ở hoạt động này, GV có thể cho HS hát một bài hát có nội dung liên quan đến bài học mới, chơi trò chơi liên quan đến kiến thức các em đã học,...
+ Hoạt động khám phá: Xây dựng kiến thức mới trên cơ sở kết nối với trải nghiệm của HS. Môn học Tự nhiên và Xã hội coi trọng việc trải nghiệm và khám phá của HS, vì vậy khuyến khích GV tổ chức các hoạt động quan sát, điều tra, hỏi đáp, thảo luận,... để HS được khám phá và lĩnh hội kiến thức.
+ Hoạt động thực hành: Từ những kiến thức đã khám phá được, HS thực hiện các hoạt động học tập như chơi trò chơi, nói, kể, vẽ, thảo luận,... để củng cố, khắc sâu kiến thức đã học.
+ Hoạt động vận dụng: HS vận dụng kiến thức vào các tình huống tương tự hoặc các tình huống mới, vận dụng kiến thức vào thực tiễn hoặc kết nối với các nội dung học tập tiếp theo thông qua các hoạt động đóng vai, thảo luận để xử lí tình huống, liên hệ thực tế,... Cuối mỗi bài học là những kiến thức cốt lõi HS học được và một hình ảnh để định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của HS.
III. PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC
Khi dạy học môn Tự nhiên và Xã hội, cần sử dụng phối hợp nhiều phương pháp và hình thức tổ chức dạy học khác nhau như: quan sát, thảo luận, hỏi đáp, trò chơi học tập, thực hành, đóng vai,... Các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học trên được tích hợp trong các hoạt động học tập được gợi ý trong SGK. Tuy nhiên, những hoạt động gợi ý ở SGK chỉ mang tính chất tham khảo, GV được quyền tự do sáng tạo cho phù hợp với cách dạy học của mình, với điều kiện của lớp học, trường học cũng như môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh.
IV.KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP
Theo định hướng đánh giá được chỉ ra trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể cũng như trong chương trình môn Tự nhiên và Xã hội, việc đánh giá kết quả giáo dục HS được thực hiện thường xuyên về cả kiến thức, kĩ năng, các năng lực và phẩm chất trong quá trình học tập, giáo dục; coi trọng đánh giá của HS (tự đánh giá, đánh giá bạn) và đánh giá của phụ huynh.
Thông qua các hoạt động học tập gắn liền với thực tế xung quanh, phù hợp với chương trình môn học, HS được rèn luyện kĩ năng quan sát, so sánh các sự vật, hiện tượng của môi trường xung quanh. Điều đó giúp các em biết vận dụng kiến thức vào tình huống thực tế ở gia đình, trường lớp và cộng đồng, biết ứng xử phù hợp (ở mức độ đơn giản) trong các tình huống liên quan đến vấn đề an toàn, sức khoẻ của bản thân, người khác và môi trường xung quanh. Qua đó giúp HS hình thành, phát triển các năng lực, bồi dưỡng các phẩm chất. Cụ thể:
+Tạo cơ hội cho việc tự học: Sách được thiết kế nhằm cung cấp thông tin, tình huống thực tế. Thông qua hoạt động quan sát, HS khám phá kiến thức, tiếp nhận thông tin, thực hiện các nhiệm vụ học tập (nhận xét, đánh giá, khai thác thông tin, sưu tầm,...) để rút ra kiến thức, thực hành tạo ra sản phẩm học tập.
+Bồi dưỡng khả năng giao tiếp và hợp tác: Các hoạt động học tập theo nhóm như cùng viết, vẽ, hát, trải nghiệm khám phá, chia sẻ,... tạo cơ hội cho HS nâng cao khả năng giao tiếp và hợp tác.
+Phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Các hoạt động điều tra, giải quyết tình huống (giữ gìn trường lớp sạch đẹp, bảo vệ vật nuôi, cây trồng, tự bảo vệ bản thân,...) trong sách giúp rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề và phát huy tính sáng tạo của HS.
+ Hình thành và phát triển năng lực nhận thức khoa học, tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội, vận dụng kiến thức và kĩ năng vào thực tiễn: Trong sách có nhiều hoạt động khám phá; thu thập thông tin, đặt ra các nhiệm vụ học tập (trò chơi xếp cánh hoa, xếp các loại cây,..); đặt ra các tình huống để HS giải quyết;... tất cả các hoạt động này nhằm hướng tới mục tiêu hình thành và phát triển năng lực cho HS.
+ Giúp bồi dưỡng phẩm chất cho HS: Những hoạt động trong sách như chia sẻ việc nhà, tham gia các hoạt động cộng đồng (quyên góp, vệ sinh,...), nói lời cảm ơn với thầy cô và các thành viên trong trường, nói lời yêu thương với bố mẹ, biết giữ gìn đồ dùng, tiết kiệm giấy,... góp phần hình thành và bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp cho HS. Với các hoạt động giáo dục năng động, đa dạng trong sách, HS có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động học tập một cách tích cực và chủ động. Qua đó giúp HS hình thành, phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết.
Người báo cáo
Nguyễn Thị Kim Xinh