TẬP HUẤN Sử dụng sách giáo khoa lớp 1 “Cánh diều” môn Âm nhạc
TẬP HUẤN
Sử dụng sách giáo khoa lớp 1 “Cánh diều” môn Âm nhạc
Ngày báo cáo: 20/8/2020
Người báo cáo: Lê Thị Thu Trang
I. Những vấn đề chung
1. Mục tiêu:
Chương trình môn Âm nhạc lớp 1 giúp HS bước đầu làm quen với kiến thức Âm nhạc phổ thông, sự đa dạng của thế giới âm nhạc và các giá trị âm nhạc truyền thống; hình thành một số kĩ năng âm nhạc ban đầu; nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu âm nhạc, hứng thú tham gia các hoạt động âm nhạc phù hợp với lứa tuổi; góp phần hình thành và phát triển cho Hồ sơ những phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và các năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo).
2. Yêu cầu cần đạt
Chương trình môn Âm nhạc tập trung hình thành và phát triển ở Hồ sơ năng lực âm nhạc, bao gồm các thành phần năng lực sau:
- Thể hiện âm nhạc: biết tái hiện, trình bày hoặc biểu diễn âm nhạc thông qua các hoạt động hát, chơi nhạc cụ, đọc nhạc với nhiều hình thức và phong cách.
- Cảm thụ và hiểu biết âm nhạc: biết thưởng thức và cảm nhận những giá trị nổi bật, những điều sâu sắc và đẹp đẽ của âm nhạc được thể hiện trong tác phẩm hoặc một bộ phận tác phẩm; biết biểu lộ thái độ và cảm xúc bằng lời nói và ngôn ngữ cơ thể; biết nhận xét và đánh giá về các phương tiện diễn tả của âm nhạc.
- Ứng dụng và sáng tạo âm nhạc: Biết kết hợp và vận dụng kiến thức, kĩ năng âm nhạc vào thực tiễn; ứng tác và biến tấu, đưa ra những ý tưởng hoặc sản phẩm âm nhạc hay, độc đáo; hiểu và sử dụng âm nhạc trong các mối quan hệ với lịch sử, văn hóa và các loại hình nghệ thuật khác.
II. Nội dung
1. Nội dung chương trình Sách giáo khoa môn Âm nhạc lớp 1 “Cánh diều”
- Sách được biên soạn với thời lượng dạy học là 35 tiết, sách gồm 10 chủ đề, mỗi chủ đề được dạy học trong 3 tiết (tổng số là 30 tiết); có 5 tiết dành cho nội dung tự chọn, ôn tập học kì.
- Mỗi học kì có 5 chủ đề;
- Mỗi chủ đề dạy học trong 3 tiết;
- Mỗi chủ đề có 5 nội dung: hát, nghe nhạc, đọc nhạc, nhạc cụ, thường thức âm nhạc; và hoạt động trải nghiệm-khám phá.
- Chủ đề: Tổ quốc Việt Nam, Thiên nhiên, Tình bạn, Hòa bình, Gia đình, Tuổi thơ, Giữ gìn vệ sinh, Em yêu âm nhạc, Mừng sinh nhật, Loài vật em yêu.
2. Phương pháp giáo dục:
Căn cứ vào nội dung dạy học, yêu cầu cần đạt và điều kiện thực tế, GV vận dụng linh hoạt các hoạt động dạy học âm nhạc đặc thù (nghe, đọc, tái hiện, phản ứng, trình diễn, phân tích, đánh giá, ứng dụng, sáng tạo) cho phù hợp và hiệu quả; sử dụng những nhạc cụ có cao độ chuẩn để giúp HS phát triển kĩ năng nghe và hát đúng nhạc; hướng dẫn HS hòa tấu hoặc đệm cho bài hát, bản nhạc bằng cách kết hợp giữa các loại nhạc cụ và động tác tay, chân (vỗ tay, giậm chân, búng ngón tay,...).
3. Một số vấn đề cần lưu ý:
- Cấu trúc SGK theo chủ đề giúp GV chủ động lựa chọn, phân phối kế hoạch dạy học linh hoạt và phù hợp.
- Hoạt động trải nghiệm-khám phá hoàn toàn thiết kế theo hướng mở, giống các trò chơi âm nhạc.
- GV thực hiện các nội dung và hoạt động dạy học cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, có thể thay đổi trình tự thực hiện các nội dung.
- Đọc nhạc là nội dung có tính mở.
- Nhạc cụ cũng là nội dung có tính mở.
III. Kết luận
Ở lớp 1, chủ yếu tập trung phát triển cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu âm nhạc; Các chủ đề trong Sách giáo khoa Âm nhạc lớp 1 “Cánh diều” được liên kết với nhau thông qua việc hình thành và phát triển cho HS những phẩm chất chủ yếu, những năng lực chung và năng lực âm nhạc được quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Người báo cáo
Lê Thị Thu Trang