KẾ HOẠCH XÂY DỰNG PHONG TRÀO XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN HỌC SINH TÍCH CỰC
Kế hoạch
Về việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực năm học 2019-2020
Căn cứ Chỉ thị số 40/2008/CT-BGDDT của Bộ Giáo dục-Đào tạo về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông. Thực hiện hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 về xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực của phòng giáo dục và Đào tạo. Kế hoạch nhiệm vụ của nhà trường, Ban giám hiệu xây dựng kế hoạch “xây dựng trường học thân thiên, học sinh tích cực” năm học 2019 - 2020 cụ thể như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích: Xây dựng trường học thân thiên, học sinh tích cực nhằm tạo được phong trào thi đua sôi nổi trong nhà trường. Các tiêu chí quy định chi tiết các hoạt động giáo dục nhằm phát huy tốt mọi điều kiện để làm tốt việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diên, tổ chức dạy học có hiệu quả, tích cực cải tiến phương pháp dạy học tạo được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, hình thành tốt kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh thân thiện, an toàn. Xây dựng trường học thân thiên, học sinh tích cực nhằm phát huy có hiệu quả trường chuẩn quốc gia đồng thời thường xuyên thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục con người toàn diện, tạo ra con người mới XHCN.
Cuộc vận động gắn với phong trào xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp và an toàn, tăng cường bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhằm đáp ứng với yêu cầu giáo dục công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2.Yêu cầu: Từng bước huy động các nguồn lực tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học, đảm bảo tốt mọi điều kiện cho học sinh đến trường được vui vẻ, an toàn, thân thiện.
Tăng cường sự tham gia một cách hứng thú của học sinh về các hoạt động giáo dục trong nhà trường và cộng đồng với thái độ tự giác, chủ động và ý thức sáng tạo, tích cưc.
Phát huy sự chủ động, sáng tạo của thầy, cô giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo, hội nhập quốc tế.
Huy động và tạo điều kiện để có sự tham gia hoạt động đa dạng và phong phú của các tổ chức, cá nhân trong việc giáo dục văn hóa, truyền thống, lịch sử cách mạng cho học sinh.
Phong trào thi đua phải đảm bảo tính tự giác, không gây áp lực quá tải trong công việc của nhà trường, sát với điều kiện thực tế của trường, gần gủi với địa phương, thường xuyên lồng ghép các nội dung hoạt động tạo động lực thúc đẩy chất lượng giáo dục toàn diện.
II. Nội dung (tiêu chí):
1. Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đep, an toàn.
Tham mưu với chính quyền địa phương tu sửa cơ sở vật chất của hai điểm trường. Tôn tạo cảnh quan, trồng lại hoa, trồng thêm cây bóng mát, cắt tỉa thảm cỏ, trang trí lớp học gọn gàng, sạch, đẹp, khang trang, an toàn, thân thiện, làm tốt công tác bảo vệ an ninh trong nhà trường, thường xuyên quan tâm dọn vệ sinh phòng học, vệ sinh sân trường, cảnh quan trường học, giáo dục học sinh tự giác, tích cực trong giữ vệ sinh chung, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh.
Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí thân thiện, vui vẻ, bình đẳng và an toàn.
2. Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi lớp học, giúp các em tự tin trong học tập:
Tập trung xây dựng tốt nề nếp học tập, ý thức tự học, thường xuyên tạo được sự hứng thú, đam mê học tập cho học sinh, kích thích được tính tò mò, thích tìm hiểu, tích cực, tự giác, sáng tạo trong học tập, tạo môi trường thân thiện, thoải mái trong học tập.
Tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, tích cực ứng dụng các thành tố tích cực trong dạy học, vận dụng phương pháp bàn tay nặn bột vào các tiết dạy, đảm bảo tính đổi mới phù hợp với đặc điểm tâm lý học sinh, tạo sự giao tiếp gần gũi, thân thiện giữa thầy với trò, giữa trò với trò giúp các em tự tin trong học tập.
Thường xuyên coi trọng văn hóa ứng xử trong nhà trường, tạo môi trường thân thiện gần gũi giữa người dạy và người học
Có biện pháp tích cực trong việc bồi dưỡng, phụ đạo học sinh yếu từng bước nâng cao chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất cho người học.
3. Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh:
Tiếp tục lồng ghép các nội dung dạy học các môn học, giáo dục kỹ năng sống kết hợp tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, dạy học các nội dung tự chọn hình thành cho học sinh kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng phòng chống đuối nước, tai nạn giao thông, xâm hại tình dục...
Thường xuyên tạo các tình huống, hướng dẫn học sinh thực hành giúp các em hình thành tốt các kỹ năng vận dụng xử lý trong cuộc sống.
4. Tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh.
Phối hợp với các tổ chức đoàn, đội trong trường tổ chức tốt các hoạt động múa hát sân trường, thể dục giữa giờ, các trò chơi dân gian, thành lập các câu lạc bộ hát dân ca, câu lạc bộ cờ vua, câu lạc bộ bóng đá, bóng bàn... tạo cho các em các sân chơi bổ ích lành mạnh, vui vẻ, an toàn.
Triển khai tập luyện bài võ cổ truyền, các bài thể dục đầu buổi, thể dục giữa giờ vào các ngày thứ 3 và 5 hàng tuần.
Phát động phong trào học tập, thi kể chuyện theo sách đối với tất cả học sinh từ khối 1 đến khối 5. Tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường. Giao lưu tuổi thơ khám phá, giao lưu tiếng Anh và một số hoạt động khác.
Phát động phong trào học tập, thi kể chuyện theo sách đối với tất cả học sinh từ khối 1 đến khối 5. Tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường. Giao lưu tuổi thơ khám phá và một số hoạt động khác.
5. Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương:
Đăng ký và xây dựng kế hoạch chăm sóc Đài tưởng niệm liệt sỹ tại địa phương vào thời gian hàng tháng.
Truyên truyền học sinh tìm hiểu mục đích, ý nghĩa việc chăm sóc Đài tưởng niệm các anh hùng liệt, từ đó giúp các em thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình cần phải làm gì để bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Giáo dục học sinh tình yêu quê hương, đất nước, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, những người thân và toàn xã hội.
Tổ chức các buổi sinh hoạt, nói chuyện về lịch sử cách mạng Việt Nam và truyền thống lich sử của địa phương.
III. Tổ chức thực hiện:
Kế hoạch được triển khai trong hội đồng nhà trường và các tổ chức đoàn thể, giao cho các tập thể, cá nhân thực hiện như sau:
- Đối với nhà trường:
Xây dựng kế hoạch, triển khai sâu rộng đến tận giáo viên, học sinh, phân công cá nhân phụ trách từng nội dung tiêu chí, phối hợp chặt chẽ với công đoàn, các đoàn thể trong trường lồng ghép các nội dung cùng tổ chức thực hiện.
Tham mưu tích cực với Đảng ủy, HĐND, UBND phường xin kinh phí tu sửa cơ sở vật chất xuống cấp, mua sắm thêm thiết bị dạy học, tôn tạo cảnh quan môi trường.
Tổ chức tốt các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ giảng dạy cho cán bộ giáo viên.
Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, vui vẻ, an toàn, thân thiện.
Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch và có giải pháp khắc phục kịp thời những tồn tại.
- Đối với công đoàn:
Quán triệt cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường luôn phát động các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các cuộc vận động, thường xuyên có tinh thần trách nhiệm cao trong việc quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Chăm lo xây dựng, tôn tạo cảnh quan sân trường, vệ sinh trường lớp, vệ sinh công cộng, chủ trọng giáo dục kỹ năng sống, phẩm chất năng lực cho học sinh.
Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong nhà trường, thường xuyên chăm lo xây dựng tập thể đoàn kết, sống vui vẻ, thân thiện trong giáo viên và học sinh.
- Đối với đoàn thanh niên:
Bám sát kế hoạch, xây dựng nội dung thực hiện phù hợp, quan tâm tổ chức tốt các hoạt động và phong trào thi đua, tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động tham quan, trải nghiệm, vui chơi bổ ích giúp các em có cơ hội tham gia nhiều sân chơi lý thú, từ đó hình thành cho các em những kỹ năng cần thiết, gần gũi với cuộc sống.
Phối hợp với chuyên môn nhà trường phát động các phong trào thi đua hai tốt, tổ chức các buổi nói chuyện tuyên truyền về công tác phòng chống đuối nước, an toàn giao thông, xâm hại tình dục...nâng cao nhận thức cho học sinh từ đó có phương pháp phòng tránh phù hợp.
Phối hợp với Liên đội tổ chức tốt các buổi lao động, hướng dẫn tìm hiểu về lịch sử Cách mạng, Đài tưởng niệm tại quê nhà, giáo dục các em tình yêu quê hương đất nước, yêu bạn bè, gia đình, người thân.
- Đối với Đội TNTPHCM:
Tổ chức tốt các hoạt động múa hát sân trường, hoạt động thể dục giữa giờ, hoạt động các câu lạc bộ, vui chơi giải trí, tổ chức các trò chơi dân gian... giúp các em có sân chơi thoải mái, bổ ích sau những giờ học căng thẳng.
Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, các hoạt động từ thiện, hoạt động xây dựng quỹ tiết kiệm tạo nên các phong trào thi đua sôi nổi trong nhà trường..
Giáo dục học sinh ý thức giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh lớp học, vệ sinh công cộng, vệ sinh sân trường, chăm sóc bồn hoa cây cảnh... tạo môi trường xanh, sạch, đep, an toàn, thân thiện.
- Đối với giáo viên:
Luôn trau dồi phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệm vụ giảng dạy, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học tạo sự gần gũi, thân thiện giúp học sinh tự tin, tự giác trong học tập và thi cử đạt kết quả đúng thực chất.
- Đối với học sinh:
Chấp hành đầy đủ sự hướng dẫn của thầy cô giáo, các anh chị phụ trách, luôn có ý thức chăm lo học tập, rèn luyện phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
IV. Phân công phụ trách các tiêu chí:
1. Đ/c Ngọc: Hiệu trưởng chỉ đạo chung, phụ trách công tác kiểm tra đôn đốc tiến độ thực hiện các tiêu chí.
2. Đ/c Quyên: Phó Hiệu trưởng phụ trách tiêu chí 1, 2, 3
3. Đ/c Lan và Đ/c Bạch Vân phụ trách tiêu chí 4, 5.
Trên đây là kế hoạch về việc “Xây dựng trường học thân thiên-học sinh tích cực, yêu cầu các tổ chức nhà trường căn cứ để thực hiện./.
Nơi nhận: - BGH nhà trưởng - Tổ trưởng CM, - Đoàn TN, TPT Đội - Lưu VT | P. HIỆU TRƯỞNG Trịnh Thị Thúy Quyên |
|